thép hình
Áp thuế tự vệ, xây dựng hàng rào kỹ thuật chỉ là biện pháp trước mắt để bảo vệ ngành thép trong nước trước “cơn lốc” thép giá rẻ, kém chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Vấn đề sống còn của ngành thép là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thép hình

Áp thuế tự vệ, xây dựng hàng rào kỹ thuật chỉ là biện pháp trước mắt để bảo vệ ngành thép trong nước trước “cơn lốc” thép giá rẻ, kém chất lượng nhập khẩu từ nước ngoài. Vấn đề sống còn của ngành thép là phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Vấn đề sống còn của ngành thép

Lo ngại cạnh tranh không lành mạnh

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này mới tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Đến ngày 19/7 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh xác nhận Hồ sơ đã đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. “Trong thời hạn 45 ngày, tính từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan sẽ thẩm định hồ sơ để trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét ra hoặc không ra quyết định điều tra” - đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết.

Cũng theo đại diện cơ quan này, việc doanh nghiệp (DN) gửi đơn yêu cầu có biện pháp chống bán phá giá là nhằm bảo vệ ngành thép trong nước trước “cơn lốc” thép giá rẻ kém chất lượng tràn vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh của DN.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép hình chữ H là của một DN thép có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc) mới đi vào sản xuất tại Việt Nam (khoảng hơn 1 năm). DN này đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm, trong đó có mặt hàng thép chữ H.

Trước lo ngại mặt hàng thép hình chữ H giá rẻ, chất lượng kém từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ cạnh tranh không lành mạnh với DN sản xuất trong nước nên DN này đã khởi kiện. Tuy nhiên, theo ông Dũng, đến thời điểm này, Hiệp hội hay bất kỳ tổ chức liên quan đều chưa có khảo sát cụ thể nào về tác động cạnh tranh không lành mạnh của mặt hàng thép hình chữ H gây thiệt hại đối với nhà sản xuất ở trong nước.

Trước đó, liên quan đến việc bảo vệ các DN sản xuất thép trong nước, ngày 15/12/2015, Bộ Công Thương nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của nhóm 4 công ty đại diện cho 38,6% lượng sản xuất phôi thép và 34,25% lượng sản xuất thép dài của cả nước. Sau khi thực hiện điều tra, dựa trên những kết quả thu thập được, đến ngày 7/3/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài. Cũng trong tháng 3/2016, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng tôn mạ kẽm và tôn mạ lạnh của 4 công ty thép trong nước. Tiếp đó, tới tháng 6/2016, Bộ Công Thương cũng có công văn xác nhận đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với sản phẩm tôn màu hợp của 3 DN sản xuất thép trong nước.

Đòi hỏi nâng cao sức cạnh tranh

Trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch thép cho phù hợp với tình hình mới theo hướng ưu tiên tổ hợp thép có quy mô lớn, tập trung, công nghệ hiện đại, kiểm soát chặt vấn đề bảo vệ môi trường.

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, việc các cơ quan quản lý bảo vệ ngành sản xuất trong nước theo đúng quy định của pháp luật thông qua các hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan và các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được là rất cần thiết. Ông Dũng cho rằng, việc áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại là cân đối bảo vệ lợi ích chung và lâu dài của toàn ngành thép, chứ không phải của riêng DN nào hoặc của nhóm DN nào.

Trên thực tế, Việt Nam hiện vẫn là nước nhập khẩu thép lớn, các mặt hàng thép giá rẻ vẫn được nhập vào nước ta. Hơn nữa, theo ông Dũng, dù ngành thép trong nước thời gian qua phát triển khá nhanh, nhưng các DN thép vẫn có quy mô nhỏ, phân tán. Số liệu khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, trên thị trường thép hiện nay không có DN thép nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường (từ 30% thị phần trở lên). Đối với sản phẩm phôi thép, trên thị trường có 14 DN lớn với lượng sản xuất chiếm gần 73% thị phần (trong đó lớn nhất là Hoà Phát chiếm gần 25% thị phần) và hàng trăm DN nhỏ với tổng lượng sản xuất chiếm 27% thị phần.

Để ngành thép trong nước phát triển bền vững, ông Dũng cho rằng, trong giai đoạn hội nhập và cạnh tranh hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch thép cho phù hợp với tình hình mới theo hướng ưu tiên tổ hợp thép có quy mô lớn, tập trung, công nghệ hiện đại, kiểm soát chặt vấn đề bảo vệ môi trường. Đặc biệt, người đứng đầu Hiệp hội thép nhấn mạnh, các DN thép phải tăng cường năng lực sản xuất, đảm bảo cung ứng cho thị trường với chất lượng và giá cả cạnh tranh. Theo hướng này, DN thép cần tập trung đầu tư theo chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nguồn tin: Đấu thầu

Gọi ngay
Messenger
Zalo chát
Bản đồ
Đăng ký tư vấn