Biện pháp chống bán phá giá thép TQ sẽ không phát huy hiệu quả và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nếu chúng ta không có một giải pháp đồng bộ.
Chưa phải giải pháp đồng bộ
Sau thời gian áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá tạm thời từ tháng 10/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức với mặt hàng thép H nhập khẩu từ Trung Quốc, mã số HS 7216.33.00; 7228.70.10 và 7228.70.90.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là 5 năm, kể từ ngày có hiệu lực chính thức, tức là đến ngày 7/9/2022.
Theo lý giải của Bộ Công Thương, thời gian qua có sự tồn tại hành vi bán phá giá của một số doanh nghiệp thép hình chữ H Trung Quốc tại thị trường Việt Nam, cản trở và ảnh hưởng đến sự hình thành ngành sản xuất thép hình trong nước.
Trao đổi với Đất Việt, ông Tăng Hồng, Hội Khoa học kỹ thuật đúc luyện kim Việt Nam thừa nhận, hiện nay đang có sự chênh lệch về giá cả giữa các mặt hàng thép có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc và các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Theo ông Hồng, thời gian vừa qua tại Việt Nam, nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực thép gặp nhiều khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực phá sản do sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc.
Ông Hồng dẫn chứng, trước đây, một sản phẩm ống thép của doanh nghiệp Trung Quốc đến công đoạn đóng gói giá trị khoảng 710.000 đồng.
Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam không thể làm được mức giá đó. Phôi chúng ta đúc ra còn sần sùi chưa tiện đã hơn 710.000 đồng.
"Do đó để cạnh tranh được với hàng Trung Quốc rất khó, nhất là trong điều kiện môi trường tự do, người ta sẽ lựa chọn doanh nghiệp nào bán rẻ hơn”, ông Hồng nhấn mạnh.
Tuy nhiên ông Hồng cho rằng biện pháp chống bán phá giá đối với thép chữ H có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc trong thời hạn 5 năm mà Bộ Công Thương áp dụng sẽ không phát huy hiệu quả và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nếu chúng ta không có một giải pháp đồng bộ.
Bởi lẽ hiện nay theo ông Hồng, nhiều doanh nghiệp vẫn đang nhập phôi thép giá rẻ từ Trung Quốc về cán trong nước hay như nhiều nhà máy thép Trung Quốc có trụ sở ở Việt Nam đang sản xuất với số lượng lớn cạnh tranh trực tiếp với các công ty thép trong nước.
“Chúng ta phải tìm hiểu xem vì sao có sự chênh lệch về giá cả như vậy. Lúc đầu chúng tôi cũng thắc mắc việc này nhưng về sau thì đã hiểu.
Thực tế hiện nay doanh nghiệp sản xuất thép của Trung Quốc nhận được rất nhiều ưu đãi. Họ sản xuất thép ở Việt Nam nhưng được nhận trợ giá từ 17-30% từ chính phủ Trung Quốc.
Hơn nữa các doanh nghiệp FDI Trung Quốc khi đầu tư tại Việt Nam lại được hưởng rất nhiều ưu đãi về đất đai, thuế, chính sách. Họ muốn thuế diện tích rộng để xây dựng nhà xưởng cũng dễ.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thuế 10%, các điều kiện khác không mấy thuận lợi. Vì thế các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cảm thấy mệt mỏi và có cảm giác tủi thân. Như vậy là Việt Nam thua trên sân nhà. Doanh nghiệp trong nước sản xuất được tháng nào hay tháng ấy, năm nào hay năm ấy”, ông Hồng nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, ông Hồng cho rằng nếu chỉ áp thuế chống bán phá giá với thép chữ H có nguồn gốc từ Trung Quốc mà không có những biện pháp tương tự với doanh nghiệp nước này hoạt động trong lĩnh vực thép tại Việt Nam thì các công ty Việt vẫn điêu đứng và chịu thiệt.
Phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước
Theo nhận định của ông Tăng Hồng, ngành thép của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều những thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi nhà nước hiện nay chưa có 1 chính sách đặc thù và ưu đãi riêng cho lĩnh vực thép thì các doanh nghiệp trong nước sẽ càng khó cạnh tranh với thép giá trẻ của Trung Quốc.
“Tới đây thì liên tiếp một loạt thuế lại được đề xuất tăng. Việc tăng thêm các loại thuế sẽ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tôi cũng là một trong những doanh nghiệp sắt thép lớn ở Cần Thơ mà giờ cũng oải. Từ đầu năm tới giờ tôi kêu cứu thành ủy Cần Thơ nhưng vẫn cảm thấy không có nhiều triển vọng gì hết”, ông Hồng khẳng định.
Để giải quyết vấn đề trên, vị chuyên gia đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có những chính sách công bằng đối với doanh nghiệp trong nước. Thay vì dành quá nhiều ưu tiên, thậm chí trải thảm đỏ cho doanh nghiệp FDI, chúng ta nên có những giải pháp để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của các công ty trong nước sản xuất thép.
“Việc thay đổi là cần thiết. Phải tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Chúng ta nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì theo tiên liệu của tôi đến năm 2020 thì tỷ lệ sản xuất không còn bao nhiêu”, ông Hồng nêu quan điểm.
Nguồn tin: Đất việt