Mức thuế CBPG được đưa ra không phải là mức thuế quá cao, vì trong những vụ việc CBPG thép trên thế giới gần đây, còn cao hơn nhiều so với vụ việc này
Hàng nghìn doanh nghiệp (DN) sử dụng nguyên liệu thép hình không gỉ làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đang phải đối diện với nguy cơ bị đẩy ra khỏi thị trường do lệnh áp thuế chống bán phá giá (CBPG) sản phẩm này của Bộ Công Thương, khiến chi phí giá thành sản xuất tăng cao và làm giảm đi khả năng cạnh tranh của DN với hàng nhập ngoại.
Theo kết luận cuối cùng được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đưa ra, đã có hiện tượng CBPG thép không gỉ nhập khẩu từ 4 nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam, gồm Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và lãnh thổ Đài Loan, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước. Do đó, sẽ chính thức áp thuế CBPG với các sản phẩm nhập khẩu từ các thị trường này từ ngày 5/10 tới, với mức thuế từ 3,07% - 37,29%.
Được bên nọ, mất bên kia
Bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương), cho biết mặc dù các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài đã bị điều tra lên đến hàng trăm vụ liên quan, song đây là lại vụ việc điều tra CBPG đầu tiên với sản phẩm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Do đó, vụ việc này đã được thực hiện điều tra khá kỹ lưỡng, tuân thủ mọi quy định của Pháp lệnh CBPG, trên cơ sở thẩm tra và thông báo cho các bên liên quan gồm DN nước ngoài xuất khẩu vào Việt Nam, nhà nhập khẩu, DN sản xuất trong nước, để từ đó tính toán và đưa ra mức thuế phù hợp.
“So với kết luận sơ bộ thì kết luận cuối cùng này có công ty chịu mức áp thuế tăng lên, có công ty chịu mức áp thuế giảm đi, giống như mọi vụ điều tra CBPG trên thế giới và không có gì đặc biệt. Với nhà nhập khẩu chịu mức thuế trên 10% là do biên độ chênh lệch về giá hàng hoá mà các công ty này bán ra tại nước của họ, so với mức giá được bán ra tại Việt Nam có mức chênh lệch lớn.
Còn trường hợp áp thuế trên 37% là do công ty đó không hợp tác với cơ quan điều tra nên cơ quan có thể sử dụng dữ liệu sẵn có để tính toán và mức thuế thường cao hơn. Mức thuế CBPG được đưa ra không phải là mức thuế quá cao, vì trong những vụ việc CBPG thép trên thế giới gần đây, còn cao hơn nhiều so với vụ việc này, bởi ở đây có DN chỉ chịu mức thuế hơn 3 – 4%, nhưng trên thế giới thông thường là 20 – 30%, hoặc có vụ việc lên tới 100%.”, bà Giang cho biết.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại (PVTM) để bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết theo đúng thông lệ quốc tế, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu vào quốc tế, cần phải chấp nhận luật chơi.
Do đó, trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các sản phẩm nhập khẩu, cần tăng cường sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ sản xuất trong nước, có chính sách thuế hợp lý cho các nhà đầu tư trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, cũng theo ông Dũng việc áp thuế hay sử dụng các công cụ như trên, có thể tạo nên sự xung đột lợi ích khác nhau, khi có DN được thuận lợi từ việc hưởng mức đánh thuế cao, song cũng có DN chịu thiệt hại.
Nhà nhập khẩu chịu “đòn đau”
Thực tế, với lệnh áp thuế này các DN là nguyên đơn gồm Posco VST và Inox Hoà Bình sẽ được “lợi” lớn khi đã “loại” được các đối thủ là các DN xuất khẩu thép không gỉ từ 4 thị trường trên vào Việt Nam. Song với các DN nhập khẩu nguyên liệu thép không gỉ làm đầu vào cho sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng, thì đây thực sự là “đòn đau”, khiến nhiều DN có nguy cơ bị mất thị trường, thị phần do sản phẩm kém sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.
Cũng bởi, theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse, thép không gỉ là sản phẩm đầu vào phổ biến trên thế giới, nên việc phải mua vào với mức giá chỉ chênh từ 3 – 5% cũng khiến cho các DN mất đi cơ hội cạnh tranh.
“Với lệnh áp thuế CBPG chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10 tới, tôi tính toán mức thuế “đánh” vào đầu vào sản xuất sẽ khiến cho giá thành sản xuất sản phẩm của DN Việt Nam tăng lên khoảng 5%. Nên đặt trong bối cảnh sắp tới, khi hàng rào thuế quan từ Hiệp định thương mại Asean – Trung Quốc và hình thành Cộng đồng Kinh tế Asean, các dòng thuế đều được cắt giảm về 0%, DN Việt Nam sản xuất hàng gia dụng có sử dụng thép không gỉ làm nguyên liệu đầu vào, rất khó để cạnh tranh với hàng từ nước ngoài, không chỉ trong hoạt động xuất khẩu mà cả trên chính thị trường nội địa”, ông Phú lo lắng.
Tuy nhiên, cũng theo bà Giang, vụ việc điều tra này đã diễn ra hơn một năm, cơ quan liên quan đã đưa ra đầy đủ các thông báo cần thiết, nên các nhà nhập khẩu sản phẩm này hoàn toàn có đủ thời gian để chủ động tìm nhà cung ứng từ các thị trường khác.
Song theo ông Phú, ngoài các thị trường trên, rất khó tìm kiếm được các nhà cung ứng mới có giá phù hợp và cạnh tranh, nên hầu hết các DN nhập khẩu nguyên liệu này không có lựa chọn nào khác, là phải nhập từ một DN đang chiếm đến gần 80% thị phần thép không gỉ của Việt Nam là Posco VST. Đây không phải là DN sản xuất Việt Nam, mà là DN có vốn đầu tư nước ngoài, với sản phẩm được bán ra không những có giá cao hơn từ 5 – 10% so với nhập khẩu, mà chất lượng còn không đảm bảo, khiến DN phải chịu thêm chi phí gia công.
Việc sử dụng công cụ PVTM là cần thiết trong bối cảnh hội nhập sâu như hiện nay để bảo vệ sản xuất trong nước. Song có một điều đáng chú ý là trên thế giới rất ít khi đánh thuế vào các sản phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất để giúp DN có mức giá cạnh tranh nhất. Do đó, các DN cho rằng việc áp thuế như trên là “đi ngược” lại tôn chỉ, mục đích của CBPG là bảo vệ sản xuất trong nước.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh khi sản xuất nội địa của Việt Nam vẫn còn bị phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, thì việc sử dụng công cụ PVTM sao cho phù hợp là rất cần thiết để đảm bảo tính công bằng giữa các DN.