Trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nào bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ đều sẽ dẫn đến việc xung đột lợi ích giữa các bên.
Ai hưởng lợi khi áp dụng biện pháp tự vệ?
Dựa trên đề nghị của 4 doanh nghiệp gồm CTCP Thép Hòa Phát (HPG), Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, CTCP Gang thép Thái Nguyên và CTCP Thép Việt Ý (chiếm 38,6% tổng sản lượng phôi thép sản xuất trong nước và 34,2% với thép dài) ngày 25/12/2015 vừa qua, Bộ Công Thương đã ra quyết định 14296/QĐ-BCT điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu .
Nguyên nhân khiến 4 doanh nghiệp này đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là bởi có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu của phôi thép và thép hình dài.
Cụ thể, lượng phôi thép nhập khẩu đã tăng từ 466.817 tấn năm 2012 lên 1,502 triệu tấn vào năm 2015. Với thép dài, từ 387.470 tấn năm 2012 đã tăng lên 1,215 triệu tấn năm 2015.
Tuy nhiên, sau khoảng 2 tuần kể từ khi Bộ Công Thương ra quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, một loạt doanh nghiệp sản xuất trong ngành thép gồm CTCP thép Pomina, Công ty liên doanh sản xuất thép Vinausteel, Công ty TNHH Nasteel-Vina, Công ty sản xuất Thép Úc SSE, Công ty TNHH Thép Vinakyoei, CTCP thép Việt Đức, CTCP BCH đã cùng đề nghị không áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép.
Lý giải cho đề nghị này, các doanh nghiệp phản đối cho hay, lượng phôi thép nhập khẩu trong giai đoạn 2008 - 2010 còn lớn hơn rất nhiều so với con số 1,25 triệu tấn của năm 2015. Mặt khác, ngành thép cũng phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất từ thép xây dựng đến ống thép và phôi thép.
Đáng lưu ý, điều khiến các doanh nghiệp ở phía phản đối băn khoăn là ai sẽ là người được hưởng lợi nếu áp dụng biện pháp tự vệ.
“Thuế suất nhập khẩu phôi thép là 9% vào cuối năm 2015, nếu được tăng lên 45% sẽ khiến phôi thép trong nước tăng giá theo. Điều này khiến phần lớn các doanh nghiêp sản xuất thép sẽ phải phụ thuộc vào phôi thép của một vài công ty cung cấp ra thị trường”, đại diện các doanh nghiệp này nhận xét.
“Tập đoàn Hòa Phát, một trong 4 doanh nghiệp đề nghị điều tra áp dụng biện pháp tự vệ, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề gặp khó khăn, thua lỗ trong sản xuất thép. Ngược lại, lãi rất cao và tăng trưởng đều hàng năm. Như vậy, nếu áp dụng biện pháp tự vệ sẽ chỉ làm lợi cho một vài doanh nghiệp lớn, đại gia thép, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các công ty thép”, phía các doanh nghiệp phải đối cho biết thêm.
Vụ việc đang trong quá trình điều tra
Thông tin về vụ việc này, ngày 15/2, người phát ngôn Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bất kỳ một vụ việc điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm chống bán phá giá , chống trợ cấp và tự vệ đều dẫn đến xung đột lợi ích.
Trong đó các bên được hưởng lợi là nhà sản xuất trong nước và các ngành công nghiệp thượng nguồn, đồng thời có các bên chịu thiệt hại là nhà nhập khẩu và người tiêu dùng hoặc các ngành công nghiệp hạ nguồn.
“Pháp luật về việc điều tra và áp dụng các biện pháp tự vệ của cả WTO và Việt Nam đều đã đầy đủ, minh bạch và quy định chặt chẽ những điều kiện, quy trình để có thể áp dụng các biện pháp này.
Theo đó, khi các nhà sản xuất trong nước nộp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, chứng minh được các dấu hiệu về nhập khẩu gia tăng đột biến dẫn đến thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước thì Bộ Công Thương phải thụ lý hồ sơ và ra quyết định tiến hành điều tra”, Thứ trưởng Hải cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng Hải, hiện nay vụ việc đang trong quá trình điều tra và Bộ Công Thương đảm bảo mọi quy trình thủ tục điều tra đều được tiến hành công khai, mình bạch và tuân thủ đúng quy định của WTO cũng như pháp luật Việt Nam.
“Bộ Công Thương luôn ghi nhận mọi ý kiến bình luận, kiến nghị của các bên liên quan và tạo cơ hội cho các bên liên quan được trình bày quan điểm của mình về vụ việc. Do đó, ý kiến phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ với phôi thép của 6 doanh nghiệp trong nước đã được Bộ Công Thương ghi nhận và sẽ thể hiện trong nội dung kết luận điều tra”, Thứ trưởng nhấn mạnh.