Các công ty thép lớn đang gặp rủi ro tài chính lớn khi liên tục cạnh tranh bằng mở rộng công suất trong một thị trường đang bị dư nguồn cung.
Trong 2 chiến lược cạnh tranh theo lý thuyết của Porter gồm: chiến lược sự khác biệt sản phẩm và chiến lược dẫn đầu về chi phí. Với ngành thép hình có tính kinh tế theo quy mô cao thì đa số các công ty thép hiện nay đang sử dụng chiến lược cạnh tranh dẫn đầu về chi phí bằng cách liên tục đầu tư gia tăng công suất.
Các công ty thép liên tục tái đầu tư xây dựng các khu liên hợp sản xuất mới với công suất mở rộng, đồng thời khép kín được quy trình sản xuất để hạ giá thành. Trong khi sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng 30% trong 10 năm, công suất tăng 62%. Theo Hiệp hộiThép Thế giới(WSA), công suất nhà máy thép thế giới được mở rộng liên tục trong 10 năm qua, đạt công suất 2.364 triệu tấn/năm, vượt quá 800 triệu tấn so với mức sản xuất thực tế là 1.621 triệu tấn năm 2015.
Tuy nhiên nguồn lực để mở rộng công suất các nhà máy không dựa vào lợi nhuận tái đầu tư mà hầu hết là đến từ vay nợ. Số liệu tổng hợp bởi E&Y trong 10 năm qua cho thấy lợi nhuận EBITDA (thu nhập trước thuế, trả lãi và khấu hao) trung bình các doanh nghiệp thép sụt giảm đáng kể từ mức cao nhất 3,4 tỷ USD của năm 2008. Từ sau khủng hoảng tài chính 2008, EBITDA trung bình của 30 công ty thép lớn nhất chỉ dao động từ 1 đến 1,5 tỷ USD/năm. Để tài trợ mức tốc độ mở rộng đó, nợ ròng tăng lên mức 5,3 tỷ USD năm 2016 từ mức 4,3 tỷ USD năm 2008, làm cho tỷ số nợ ròng / EBITDA lên mức 4,5 lần từ 1,3 lần.
Theo báo cáo ngành thép của CTCP KIS Việt Nam, các công ty thép lớn đang gặp rủi ro tài chính lớn khi liên tục cạnh tranh bằng mở rộng công suất trong một thị trường đang bị dư nguồn cung. Tình trạng khủng hoảng hiện tại của ngành có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới.
Khả năng cạnh tranh ngành thép hộp Việt Nam
Ngành thép Việt Nam nhìn chung có sức cạnh tranh yếu hơn so với các nước sản xuất lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Nguyên nhân chủ yếu là do quy mô nhà máy của Việt Nam quá thấp so với Trung Quốc dẫn đến khó cạnh tranh về chi phí. Kết quả là mặc dù các công ty trong nước sản xuất nhiều hơn nhu cầu nội địa nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu thép của thế giới. Việt Nam nhập khẩu ròng 19.9 triệu tấn thép tương ứng 8 tỷ USD năm 2016.
Ngoài nguyên nhân do năng lực cạnh tranh kém, sự mất cân đối trong các phân khúc sản phẩm thép cũng làm tăng nhập khẩu thép của Việt Nam. Theo VSA, Việt Nam đã đáp ứng được công suất nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ. Trong khi đó, ngành thép Việt Nam lại thiếu sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) và sản phẩm thép chất lượng cao cho ngành thép chế tạo.
Trong cơ cấu nhập khẩu thép, thép HRC – CRC nhập khẩu 5,6 triệu tấn (chiếm 24% tổng sản lượng nhập khẩu) và thép hợp kim nhập khẩu 6.2 triệu tấn (chiếm 27%). Đây là 2 sản phẩm mà Việt Nam hiện không sản xuất được.
Tuy nhiên, tình hình nhập siêu thép ống sẽ giảm trong thời gian tới nhờ sự đầu tư của các nhà máy thép mới có sản xuất HRC. Formosa Hà Tĩnh hiện đang chạy thử lò cao giai đoạn 1 vào 6/2017, theo kế hoạch FHS có công suất 7.5 triệu tấn thép sẽ hạn chế nhập siêu thép cán nóng HRC của Việt Nam. Ngoài ra, Hòa Phát cũng đang thực hiện dự án khu liên hợp thép Dung Quất với công suất kế hoạch 2 triệu tấn thép dài và 2 triệu tấn HRC mỗi năm.
Về lưu chuyển tiền tệ, do ngành thép Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, các công ty đang có chiến lược mở rộng năng lực sản xuất và hệ thống bán hàng nên dòng tiền từ đầu tư đang có xu hướng chi càng nhiều qua các năm.
Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh ngành thép nhìn chung là tích cực, tiền ròng từ kinh doanh tăng qua nhiều năm và đạt mức 6,8 ngàn tỷ đồng trong 2016 và đủ cho đầu tư các dự án mới. Từ đó tài chính các công ty thép ít phụ thuộc vào nguồn vốn vay nợ.
Về cơ cấu nguồn vốn, các doanh nghiệp thép dùng tỷ lệ đòn bẩy hợp lý, được duy trì ổn định và có xu hướng giảm với khoảng 40% vốn chủ sở hữu, 40% nợ vay và 20% nợ khác.
Ngành thép Việt Nam chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng hạ tầng và bất động sản, nhưng định giá P/E và P/B cổ phiếu các công ty ngành thép lại thấp hơn đáng kể so với các ngành liên quan như bất động sản và vật liệu xây dựng khác (xi măng, đá, gạch…). Hiện định giá P/E ngành thép chỉ bình quân 5-6 lần so với vật liệu xây dựng khoảng 10 lần và bất động sản 20 lần.
KIS Việt Nam cho rằng mức định giá thấp như trên là do những lo ngại về tình trạng thừa cung của ngành thép thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp có chiến lược đầu tư tốt đến năm 2020 như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim… là những cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Với sự cải thiện rõ rệt về hoạt động kinh doanh cũng như tình hình tài chính, các cổ phiếu ngành thép đang được giao dịch dưới giá trị nội tại. Công ty chứng khoán này thống kê 20 cổ phiếu của ngành vật liệu xây dựng có vốn hóa trên 400 tỷ đồng có P/E trung bình 9,3 lần và P/B trung bình 2 lần làm cơ sở định giá ngành thép
Nguồn tin: NDH